Những điều ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng dương vật?

Nguyễn Đình Liên

Nguyễn Đình Liên

Sức khỏe dương vật là một phần quan trọng của sức khỏe nói chung, và nó không chỉ gói gọn trong những hoạt động như cương dương hay xuất tinh. Do đó cần biết về những dấu hiệu khi dương vật gặp vấn đề để nắm được cách chăm sóc dương vật tốt nhất.

1. Dấu hiệu nào cho thấy dương vật đang gặp vấn đề về sức khỏe và chức năng?

Đó là các vấn đề có liên quan tới chức năng giới tính, hoạt động tình dục và sức khỏe dương vật, bao gồm:

  • Rối loạn cương dương: không thể cương hoặc cương không đủ cứng để quan hệ tình dục.
  • Rối loạn xuất tinh: bao gồm không thể xuất tinh, xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, đau khi xuất tinh, xuất tinh ít hoặc xuất tinh ngược (tinh dịch thay vì xuất ra ngoài lại phụt ngược vào trong bàng quang).
  • Không đạt cực khoái: không thể đạt được trạng thái cực khoái dù đã có đủ kích thích.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: bao gồm mụn cóc sinh dục, lậu, chlamydia, giang mai và herpes sinh dục, là những nguyên nhân gây ra đau khi đi tiểu, ra dịch bất thường, đau hoặc sưng dương vật và khu vực sinh dục.
  • Nhiễm vi nấm: là nguyên nhân gây ra đau quy đầu, nổi ban dát đỏ xen kẽ các mảng trắng, cảm giác rất ngứa hoặc bỏng rát, và tiết dịch màu trắng.
  • Chứng cong dương vật: là tình trạng mạn tính có liên quan tới sự phát triển của các mô sẹo bên trong dương vật, gây nên cong dương vật hoặc đau khi cương cứng.
  • Gãy dương vật: thể hang của dương vật bị đứt rách, thường xảy ra khi quan hệ tình dục sai tư thế.
  • Cương cứng kéo dài: cương cứng liên tục và kéo dài gây đau đớn mà không do bị kích thích tình dục.
  • Hẹp bao quy đầu: là tình trạng phần da bao quy đầu không thể tuột lên khỏi quy đầu, gây đau đớn khi đi tiểu hoặc cương cứng.
  • Bán hẹp bao quy đầu: là tình trạng da bao quy đầu có thể tuột lên khỏi quy đầu nhưng không thể tuột xuống trở lại, khiến dương vật sưng to đau đớn và thắt nghẹt luồng máu tới nuôi dương vật.
  • Ung thư dương vật: ban đầu biểu hiện có vẻ không nghiêm trọng như một nốt sẩn ở bao quy đầu, ở quy đầu hoặc ở thân dương vật, nhưng nhanh chóng trở thành khối bất thường và tiết mủ.
Dấu hiệu dương vật bị yếu

2. Điều gì làm tăng yếu tố nguy cơ?

Rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe dương vật, một số có thể thay đổi được, số khác thì không, ví dụ như:

  • Bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và các bệnh liên quan: bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol và béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn cương dương.
  • Một số thuốc điều trị bệnh thông thường có thể có tác dụng không mong muốn gây rối loạn cương dương, bao gồm thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ (loại bắt buộc phải kê đơn), thuốc điều trị loét và thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt
  • Điều trị ung thư tiền liệt tuyến: quá trình phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến và mô xung quanh để điều trị ung thư tiền liệt tuyến có thể gây ra tiểu tiện không tự chủ và rối loạn cương dương.
  • Hút thuốc lá: bên cạnh việc gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
  • Uống rượu quá độ: uống quá nhiều rượu có thể gây sụt giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, và mất kiểm soát hành vi tình dục.
  • Nồng độ hormone: mất cân bằng hormone, đặc biệt là sự suy giảm testosterol có mối liên quan với chứng rối loạn cương dương.
  • Yếu tố tâm lý: trầm cảm, căng thẳng nghiêm trọng hay các vấn đề sức khỏe tâm thần khác cùng các loại thuốc điều trị chúng có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn cương dương. Ngược lại, rối loạn cương dương có thể gây ra lo âu, trầm cảm, mất tự tin hoặc lo lắng về khả năng quan hệ tình dục.
  • Các bệnh lý thần kinh: đột quỵ, tổn thương lưng và tủy sống, đa xơ cứng và sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng tới đường dẫn truyền thần kinh từ não bộ tới dương vật, gây nên rối loạn cương dương
  • Vấn đề tuổi tác: nồng độ testosterone sẽ giảm dần theo năm tháng, do đó làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương, làm giảm cực khoái, giảm lực xuất tinh và giảm sự nhạy cảm tình dục.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, quan hệ với nhiều bạn tình, hoặc các hành vi tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Xâu khuyên: xâu khuyên dương vật có thể gây nhiễm trùng da và phá hỏng dòng chảy của nước tiểu; tùy thuộc vị trí xâu khuyên mà gây ảnh hưởng tới khả năng cương cứng hoặc đạt cực khoái.

3. Khi nào nên đi thăm khám bác sĩ?

Hãy tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Thay đổi cách xuất tinh.
  • Ham muốn tình dục thay đổi đột ngột.
  • Chảy máu khi đi tiểu hoặc xuất tinh.
  • Xuất hiện mụn cóc, sưng tấy, thương tổn hoặc ban dát ở dương vật hoặc khu vực sinh dục.
  • Dương vật bị cong vẹo nghiêm trọng gây đau đớn hoặc cản trở hoạt động quan hệ tình dục.
  • Cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu.
  • Tiết dịch bất thường từ dương vật.
  • Đau dương vật nghiêm trọng sau chấn thương.

4. Làm thế nào để dương vật luôn khỏe mạnh?

Để dương vật luôn khỏe mạnh

Có rất nhiều cách để giữ dương vật cũng như sức khỏe nói chung khỏe mạnh, ví dụ như:

  • Quan hệ tình dục có trách nhiệm: sử dụng bao cao su hoặc chung thủy với một bạn tình không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Tiêm chủng: có thể tiêm chủng vắc xin ngừa virus gây u nhú ở người nếu chưa quá 26 tuổi, để phòng tránh các bệnh ung thư liên quan đến loại virus này.
  • Hoạt động thể lực hợp lý: các hoạt động thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ bị rối loạn cương dương.
  • Lối sống lành mạnh: duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ tăng cholesterol, tăng huyết áp, đái tháo đường typ 2 cũng như giảm các nguy cơ khác liên quan tới rối loạn cương dương.
  • Giữ vệ sinh tốt: nếu chưa cắt bao quy đầu, hãy thường xuyên rửa sạch phần quy đầu bên dưới với xà phòng và nước; đừng quên đưa bao quy đầu trở về vị trí cũ sau khi quan hệ tình dục.
  • Hiểu rõ về thuốc điều trị của bản thân: hãy tham vấn bác sĩ về thuốc điều trị cũng như tác dụng không mong muốn của chúng.
  • Chăm sóc sức khỏe tâm thần: nếu bị trầm cảm, rối loạn lo âu hay bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào, đừng ngần ngại thăm khám và điều trị.
  • Bỏ hút thuốc lá, uống rượu chừng mực: hãy bỏ thuốc lá ngay lập tức, và tìm sự trợ giúp từ bác sĩ nếu việc cai thuốc gặp khó khăn; nếu uống rượu, hãy biết uống có chừng mực.

Không phải tất cả các vấn đề liên quan tới dương vật đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên đi khám định kỳ là cách để biết về tình trạng dương vật của bản thân cũng như sớm phát hiện những bất thường (nếu có) để có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời. Dù có thể có đôi chút ngại ngùng, nhưng hãy mạnh dạn trao đổi các vấn đề bất thường với bác sĩ, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Để hiểu rõ thêm về sức khỏe tình dục hoặc khi bạn thấy các bất thường ở dương vật; hãy vui lòng liên hệ với hotline chúng tôi 0879555115 để được hỗ trợ. Hoặc các bạn có thể đăng ký khám nam khoa tại phòng 245 nhà E, bệnh viện E 87 – Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.

Video

Bài viết mới