1. Tổng quan về giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là vấn đề gặp ở 8 – 16% nam giới và chiếm khoảng 20 – 40% ở bệnh nhân nam vô sinh. Tình trạng này xảy ra khi máu của các tĩnh mạch chảy ngược về chỗ thấp (thay vì về tim) do các tĩnh mạch tinh bị chèn ép bởi các tác nhân khác hoặc do các van trong tĩnh mạch bị suy giảm chức năng; biểu hiện bởi tình trạng giãn tĩnh mạch, có dòng trào ngược…
Người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chủ yếu bị đau nhẹ hoặc có cảm giác nặng ở vùng bìu, đau nhiều hơn vào buổi chiều tối, sau khi ngồi nhiều, đứng lâu hoặc làm việc nặng. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bệnh nhân có thể thấy có khối phồng ở góc trên bìu. Hiện tượng này xuất hiện do tĩnh mạch giãn to nổi dưới da.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây vô sinh nam. Nguyên nhân vì tình trạng này làm cho máu ứ đọng ở tinh hoàn nhiều hơn, làm tăng nhiệt độ trong bìu (cao hơn mức bình thường khoảng 0,6 – 0,8°C), ảnh hưởng tới việc sản xuất tinh trùng, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.
2. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Sau khi được chẩn đoán mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh nhân sẽ được chỉ định theo dõi thêm. Trong quá trình theo dõi, nếu tĩnh mạch không giãn lớn, không có triệu chứng khó chịu và không ảnh hưởng tới chức năng sinh sản thì người bệnh không cần điều trị.
Trong trường hợp bệnh nhân bị đau, tĩnh mạch thừng tinh bị giãn to, mất thẩm mỹ hoặc tinh hoàn teo nhỏ, có bất thường trong tinh dịch đồ,… bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân ngủ say và giảm đau bằng cách gây tê vùng cụt hoặc gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ thực hiện thắt, cắt các tĩnh mạch tinh giãn mất chức năng.
Có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như: phẫu thuật thông thường, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật vi phẫu,… Trong đó, phương pháp phẫu thuật vi phẫu (mổ bằng kính hiển vi) được áp dụng rộng rãi vì hiệu quả cao, ít biến chứng. Đây là phương pháp phẫu thuật can thiệp tối thiểu nên đường rạch trên da bệnh nhân sẽ rất nhỏ. Ca mổ thường kéo dài khoảng 1 giờ và sau mổ bệnh nhân có thể trở lại trạng thái bình thường rất nhanh, không gặp bất cứ vấn đề gì trong sinh hoạt. Bệnh nhân có thể ra viện trong ngày hoặc ngày hôm sau.
3. Lưu ý khi điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh và thân nhân cần quan tâm khi thực hiện điều trị bệnh:
3.1 Trước khi phẫu thuật
Trong vòng 10 ngày trước mổ không cho người bệnh sử dụng các thuốc thuộc dòng aspirin như ibuprofen hay naproxen. Đây là nhóm thuốc dùng để hạ sốt, giảm đau. Các loại thuốc này có thể gây tình trạng chảy máu khó kiểm soát trong và sau mổ. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng các loại thuốc này, bệnh nhân và người nhà nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
3.2 Sau khi phẫu thuật
Trong vòng 24 giờ sau mổ, người bệnh không được vận động mạnh, chỉ đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng và ăn thức ăn nhẹ vì các loại thức ăn rắn khác có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Các triệu chứng thường gặp sau mổ:
- Khó chịu ở vùng bìu: vùng bìu có cảm giác căng tức, da bìu có thể chuyển sang màu đỏ hoặc thâm tím, bìu bên mổ sưng to hơn bên kia. Các triệu chứng này hoàn toàn bình thường vì một phần tĩnh mạch đã bị thắt hoặc cắt nên hạn chế dòng máu lưu chuyển từ tinh hoàn trở về tim. Thông thường, những biểu hiện này chỉ kéo dài tối đa một tháng sau mổ và sẽ mất đi dần dầu. Để hạn chế sưng đau tinh hoàn và vùng bìu sau mổ, bệnh nhân nên nằm yên tại giường trong vòng 24 giờ đầu, có thể dùng khăn lạnh chườm mát vùng bìu trong 1 – 2 ngày đầu tiên.
- Sưng nề, tấy đỏ xung quanh hoặc thấm một ít dịch ở vết mổ: triệu chứng này sẽ tự hết sau vài ngày, người chăm sóc cần chú ý thay băng vết mổ thường xuyên cho bệnh nhân.
- Bệnh nhân phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh phải gây mê nội khí quản có thể bị đau họng, nôn, táo bón, đau nhức cơ thể,… Các triệu chứng này sẽ mất đi sau khoảng 48 giờ.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ
- Sau mổ 2 – 3 giờ có thể cho người bệnh ăn uống. Tuy nhiên, người chăm sóc cần hỏi ý kiến nhân viên y tế về việc cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì. Người bệnh nên bắt đầu ăn thức ăn lỏng, mềm như cháo, sữa rồi ăn đặc dần lên.
- Người bệnh thường được cho sử dụng thuốc đặt hậu môn hoặc thuốc uống giảm đau sau mổ.
- Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân không cần hạn chế bất kỳ loại thức ăn, nước uống nào và có thể trở về sinh hoạt như bình thường.
- Từ ngày thứ 3 sau mổ có thể cho bệnh nhân tắm. Khi tắm vẫn có thể để lại băng gạc, sau khi tắm xong nên thay băng gạc khác.
- Trong vòng 1 tháng đầu sau mổ, người bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh không nên hoạt động thể thao yêu cầu thể lực cao.
Lưu ý: trong vòng 2 tuần sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, nếu người bệnh có các biểu hiện như sốt, co giật, buồn nôn hoặc nôn, nổi mẩn ngứa, phát ban, vết mổ đau nhiều, sưng, tấy đỏ, chảy dịch hoặc chảy máu lượng nhiều,… thì người chăm sóc cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở đâu? Người bệnh nên tìm đến những bệnh viện uy tín để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị tích cực, hiệu quả, giảm tối đa nguy cơ biến chứng.
Được sự quan tâm từ lãnh đạo bệnh viện và định hướng phát triển của bệnh viện; Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học đã thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ nam giới. Bệnh nhân nếu nhận thấy dấu hiệu bệnh và cần tư vấn điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh vui lòng liên hệ với hotline chúng tôi 0879555115 để được hỗ trợ. Hoặc các bạn có thể đăng ký khám nam khoa tại phòng 245 nhà E, bệnh viện E 87 – Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.